ĐỪNG LÀM GÌ. Đó là lời khuyên của mình
Bởi khi bạn còn không biết chính bản thân mình muốn gì, mục đích làm việc là gì thì làm sao bạn có thể hoàn thành công việc đó với 100% tập trung và 100% năng lượng. Hiển nhiên, chất lượng công việc sẽ theo đó mà đi xuống. Tệ hơn, một số bạn dù cho không xác định được mục đích của công việc đang làm mà vẫn lao theo, làm quên ngày quên tháng theo đuổi một thứ mà mình không hề hứng thú. Cái giá đánh đổi chính là thời gian. Bạn ngày càng già đi trong khi công việc mình yêu thích, phù hợp với bản thân thì vẫn còn đâu đó ngoài kia, lẽ ra bạn đã có thêm từng ấy năm kinh nghiệm nếu biết cái bạn cần làm sớm hơn.
Năm 2017, khi mình rời Vietinbank, một trong những ngân hàng top đầu của Việt Nam, mình cũng không biết phải làm gì tiếp theo. Đơn giản mình xin nghỉ vì mình cảm nhận thấy, công việc này, môi trường này, không thể giúp cho mình phát triển sự nghiệp một cách đầy đủ, bởi xung quanh tràn đầy những rào cản, từ văn hóa doanh nghiệp, canh tranh (đấu đá) nội bộ. Và mình đã thất nghiệp đến tận 3 tháng, không trợ cấp, không việc làm, mình chọn vài nơi để đi du lịch trong khi nhiều người theo logic thông thường sẽ chọn ngân hàng khác để đầu quân.Thường thì khi đã làm ngân hàng một thời gian rồi, bạn sẽ không có nhiều lựa chọn công việc ở lĩnh vực tư nhân khác, bởi vì công việc ở ngân hàng hết sức đặc thù và bạn sẽ khó lòng hòa nhập với môi trường doanh nghiệp ngoài nếu muốn ra làm lĩnh vực mới. Mình đã chọn ở nhà , không làm gì, học tiếng Anh, và dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về cái mà mình muốn theo đuổi trong tương lai, mình mạnh yếu điều gì , và mình muốn là ai 10 năm sau. Và cuối cùng mình nhận ra cái mình muốn, mình muốn thành công trong vai trò một doanh nhân. Mình thích giao tiếp, mình thích được đi đây đó, mình thích được đàm phán, giao lưu quan hệ kinh doanh. Và mình ứng tuyển nhiều vị trí sales sau ba tháng đó. Cuối cùng may mắn đã đến khi mình đỗ vào một vị trí xúc tiến thương mại tại công ty thiết bị vệ sinh của Nhật, công việc không quá áp lực, cho mình nhiều cơ hội đi đây đi đó,tiếp xúc với nhiều chủ doanh nghiệp, bước đầu được làm quen với môi trường doanh nghiệp và thương mại. Mình đánh giá đây không phải là công việc có thể theo đuổi lâu dài nhưng là bước chuyển quan trọng để mình chuyển từ ngân hàng sang doanh nghiệp tư nhân, hoàn toàn lạ lẫm với mình.
Sau này ngồi nhìn lại, rõ ràng, nếu mình lại đi theo một lĩnh vực mình không thích( làm tạm bợ cho một ngân hàng khác chẳng hạn) mình sẽ lệch khỏi quỹ đạo cuộc đời, đó là một bước lùi trong sự nghiệp. Thay vì đó, thà không làm gì và dành thời gian để suy nghĩ và tính toán cẩn trọng và tỉ mỉ đường đi nước bước, còn hơn cố gắng làm một việc gì đó để lấy một chút tài chính, và lỡ đi những cơ hội quan trọng. Mình không hề hối hận về quyết định ra khỏi ngân hàng ngày ấy.
Đó là trong vấn đề vĩ mô, liên quan đến sự nghiệp lâu dài 5-10 năm. Trong ngắn hạn đời sống hàng ngày, mình cũng đang thực hành triết lý trên. Nếu không biết làm gì tiếp theo, Đừng làm gì.
Nếu không biết mình mở điện thoại, mở máy tính làm gì, hãy không làm.
Nếu không biết bạn ăn nhậu, đi chơi với người này người kia làm gì, mình từ chối.
Nếu không biết học tiếng Anh để làm gì, mình sẽ không học.
Nếu không biết tối nay, tắm rửa ăn cơm xong làm gì tiếp theo, mình ngồi chơi không, rồi đi ngủ sớm.
Sau này cũng vậy, nếu không biết mình còn làm ở công ty này vì mục đích gì, hay công việc này còn giúp ích cho mình điều gì, mình sẽ dừng lại, suy nghĩ và thay đổi
Trong bóng bàn, để có một cú giật bóng mạnh và chính xác, vận động viên phải trải qua 4 bước khi bóng đang lao đến từ đối thủ: 1. Thu tay về sát người chuẩn bị, ước lượng tốc độ, xoáy điểm rơi quả bóng 2. Thả lỏng 3. Phát lực đột ngột. 4. Kết thúc cú đánh,thu tay về để chuẩn bị cú đánh tiếp theo. Đôi khi để có sự bứt phá, nhảy vọt, thả lỏng mới là thứ bạn cần làm chứ không phải vội vàng hấp tấp.
Nhân một ngày sáng đầu tháng 3. đã 4 ngày liên tiếp mình đi ngủ sớm, và dậy trước 6h sáng, tập hít thở bằng bụng. Hy vọng sẽ quyết tâm duy trì và tạo thói quen này